Những đường nét đầu tiên của bức tranh thêu Bayeux tả lại cảnh vua Edward giáo sĩ phái Harold Godwinson đẹp trai đến Normandy.
Theo bức tranh tả, Harold gặp bão, thay vì đổ bộ tới Normandy thì ông lạc bến tới Ponthieu. Nam tước của xứ Ponthieu ngay lập tức bắt giữ Harold, và phải nhờ đến hồng phúc của William thì Harold đẹp trai mới được cứu. Thế là Harold hứa rằng sẽ không giành ngai vàng nước Anh với… William.
Tuy nhiên, như đã biết, Edward giáo sĩ mê Harold đẹp trai, nên ông định trao ngôi vua cho Harold; như vậy Edward lẫn Harold sẽ xù luôn lời hứa khi xưa với William, cứ thế nghiễm nhiên thành vua nước Anh.
Bạn nào suy nghĩ logic một chút sẽ thắc mắc rằng: Quái! Tự dưng Edward cử Harold đến Normandy làm gì đế Harold bị bắt cóc, rồi phải hứa hẹn nọ kia với William? Sự tình đúng với lịch sử hơn có lẽ là như vầy: năm 1051, hai người họ hàng của Harold đẹp trai bị dân Normandy bắt làm con tin (thời đấy bắt cóc người giàu đòi tiền chuộc rất có giá). Biết chắc mẩm rằng Edward sẽ nhường ngôi cho mình, Harold tức tốc chạy tới Normandy hòng chuộc họ hàng về. Ông sợ rằng nếu ông làm vua trước khi chuộc người thân, William tức giận sẽ giết họ để báo thù.
Chẳng may gặp bão, Harold lạc đến xứ Ponthieu và bị bắt cóc. Tuy nhiên, nam tước xứ Ponthieu lại nằm dưới quyền William. Thế là William ra lệnh cho Ponthieu giao chiến lợi phẩm cho mình, và bắt Harold thề trước Chúa rằng ông không được giành ngai nước Anh thì ông mới được tự do.
William định bụng, nếu Harold thất hứa thì ông sẽ trình cớ này lên giáo hội, để giáo hội cho phép ông xâm chiếm xứ sương mù. Thời đó, thất hứa trước Chúa là một tội nặng.
Để sự việc thêm phần nghiêm trọng, William hứa gả con gái của mình cho con trai của Harold dù trước đây William đã hứa (trước Chúa) sẽ gả cô bé cho một quý tộc khác ở Normandy. Thế mới biết, một số lời thề trước Chúa có thế xù, một số thì không.
Vua Anh, theo truyền thống, chả mấy mộ đạo, nên khi Edward phong Harold làm vua; ông thẳng thừng nói rằng mình phải hứa với William là do đang bị William bắt cóc. Nếu lời thề là lời thề bị ép buộc thì nó chẳng giá trị gì.
Pha Lê