Tuy trong Nghị viện vương quốc Anh luôn có đại diện nhiều đảng phái chính trị nhưng thực tế kể từ sau Thế chiến II, chính phủ luôn do hoặc Đảng Bảo thủ hoặc Công Đảng (Đảng Lao động) thành lập.
Đảng Bảo thủ chủ trương khuyến khích kinh doanh thông qua việc đánh thuế thấp, kiểm soát lạm phát bằng cách hạn chế chi tiêu công, cho tư nhân tham gia vào lĩnh vực dịch vụ công và cơ sở hạ tầng.
Ngược lại, Công Đảng đề cao những giá trị xã hội, bảo vệ quyền lợi công nhân, kiềm chế thất nghiệp và đầu tư mạnh vào dịch vụ công ích.
Đảng Dân chủ Tự do là chính đảng lớn thứ ba, thực hiện chính sách trung dung giữa Công Đảng và Đảng Bảo thủ. Đảng này thường liên minh với các đảng phái khác, có thời gian thành công nhưng cũng có thời gian do đường lối không rõ ràng và bất đồng nội bộ đã gây chia rẽ và mất đi sự ủng hộ của cử tri.
Ngoài ra còn có Đảng Xanh, nguyên là Đảng Môi trường Sinh thái, có được sự ủng hộ của một lượng nhỏ cử tri vì những chính sách bảo vệ môi trường của mình.
Các chính đảng lớn nhất ở Wales và Scotland, theo thứ tự là Đảng Dân tộc xứ Wales – Plaid Cymru, và Đảng Dân tộc Scotland, đóng vai trò to lớn trong công cuộc chuyển giao quyền lực từ London về Cardiff và Edinburgh, cũng như truyền bá rộng rãi hơn văn hóa và tiếng nói của các dân tộc này. Tại Bắc Ireland những tranh chấp quyền lực căng thẳng thường xuyên diễn ra giữa hai đảng phái lớn nhất và theo đuổi những mục tiêu chính trị khác hẳn nhau là Đảng Liên đoàn Dân chủ thân Anh và Sinn Féin – cánh chính trị của tổ chức bán quân sự Quân đội Cộng hòa Ireland IRA.