Việc thay đổi phương thức canh tác nông nghiệp đã làm giảm số lượng hàng rào cây xanh ở một số nơi, phân đạm tuy làm tăng sản lượng nhưng các loài chim và thú nhỏ phải trả giá. Loài thạch nam đồng bằng, các trảng cỏ và đầm lầy ngập mặn đang mất dần. Ô nhiễm nước từ các hoạt động sản xuất cũng là một vấn đề.
Khoảng 10 tới 20% các loài cá nước ngọt, bò sát, lưỡng cư trên cạn và các loài cây cho hạt bản địa đang gặp nguy hiểm. Trong số khoảng 220 loài chim làm tổ ở Anh thì 139 loài đang suy giảm, 23 loài chỉ còn một nửa số lượng trong 25 năm qua. Loài sóc đỏ nhiều vô số trước đây giờ chỉ còn 30.000 con, tập trung tại vài khu riêng biệt như đảo Wight, Cumbria và Northumberland, số lượng hải cẩu, rái cá cũng giảm đến mức báo động…
Nhận thức được các thay đổi nguy hiểm này, Kế hoạch Hành động Đa dạng Sinh học Vương quốc Anh đã ra đời năm 1994, với các chương trình bảo vệ các loài và môi trường sinh thái, nâng cao nhận thức của người dân đối với các vấn đề đa dạng sinh học. Một hệ thống công viên quốc gia, khu bảo tồn, thắng cảnh thiên nhiên và vành đai xanh cũng được xây dựng gần các thành phố nhằm đảm bảo cân bằng giữa nhu cầu trước mắt với việc bảo vệ tự nhiên và hệ sinh thái.
Bản thân người dân cũng có những hoạt động tự phát chống lại việc mở mang đường sá, phát triển nhà cửa và các hoạt động khác làm ảnh hưởng tới di sản thiên nhiên. Đôi khi, người ta còn tự xích mình vào cây cối để phản đối việc xây dựng các đoạn đường tránh. Một đường cao tốc ở Hạt Tây đã phải xây các đường hầm cho những con nhím có thể vượt qua an toàn.