Vương quốc Anh là đảo quốc nằm ở tây bắc châu Âu, được bao quanh bởi Đại Tây Dương và Biển Bắc, ngăn cách với lục địa bởi eo Dover và eo biển Anh. Những vùng nước này, mà đặc biệt là eo biển Anh – được tác giả nổi tiếng William Shakespeare mô tả như “hào nước bảo vệ ngôi nhà” – đã giúp Vương quốc Anh vượt qua được hầu hết các nỗ lực xâm chiếm từ bên ngoài kể từ sau cuộc chinh phục Norman năm 1066, để xây dựng và phát triển một phong cách riêng biệt.
Tổng quan
Tổng diện tích Vương quốc Anh là 243.610km2 (lớn thứ 80 thế giới); bao gồm toàn bộ đảo lớn Great Britain, một phần đảo Ireland và nhiều đảo nhỏ khác – trong số đó có những đảo không thuộc Vương quốc Anh nhưng phụ thuộc vào ngai vàng. Trên đảo lớn Great Britain, chiếm đến 9/10 diện tích toàn đảo quốc là ba nước: Anh (130.439km2), Wales (20.768km2), Scotland (78.783km2). Bắc Ireland, như tên gọi của nó, chiếm phần đông bắc của đảo Ireland.
Đại dương không chỉ giúp người Anh trong việc phòng thủ mà còn là cơ sở để họ phát triển kinh tế, thám hiểm, trở thành những nhà chinh phục hàng hải vĩ đại. Đến cuối thế kỷ 18, sức mạnh hải quân Anh dẫn đầu thế giới và giữ vững vị thế này cho đến tận giữa thế kỷ 20.
Địa hình
Tuy vị trí ngày nay bị chia cắt nhưng các đảo Anh đã từng là một phần của lục địa châu Âu cho đến cuối kỷ Băng hà cuối cùng (tức khoảng 80 triệu năm trước) – khi nhiệt độ tăng lên và các chỏm băng tan ra, dâng ngập những vùng bãi cạn giờ đây là Biển Bắc và eo biển Anh. Do vậy, tại Vương quốc Anh người ta vẫn nhận thấy những cấu trúc địa lý chính của lục địa Âu châu: đồng bằng rộng lớn Bắc Âu xuất hiện lại dưới phong cảnh vùng đất thấp lộng gió miền Đông nước Anh; phía bắc của vùng đất thấp này có nét tái hiện dãy núi Scandinavia; kiểu bờ biển của Đức và Hà Lan cũng có ở miền Đông nước Anh, với các cửa sông rộng và những vịnh nước nông; và những vách đá trắng toát ở Dover (Kent) cũng phản chiếu những vách đá tương tự thuộc xứ Picardy nước Pháp, ớ cách 32km bên kia eo biển Anh…
Bờ biển Jurassic tuyệt đẹp dài 95 dặm đã trở thành Di sản Thế giới từ năm 2001. Bờ biển này trải dài từ Dorset đến Devon, với những tảng đá hơn 185 triệu năm tuổi. Khách tham quan nơi này dường như có thể đi bộ xuyên thời gian, đến tận kỷ Triat, kỷ Jura và kỷ Phấn trắng. Durdle Door là một trong những cảnh quan nổi bật trên dải bờ biển Jurassic.
Địa hình của Vương quốc Anh nhìn chung “trẻ dần đi” và giảm dần độ cao từ bắc xuống nam, từ tây sang đông, có thể chia thành ba vùng: cao nguyên, trung du và vùng đất thấp.
Scotland ở phía bắc chiếm 1/3 diện tích của toàn Vương quốc Anh; địa hình nói chung gồ ghề và lưu giữ nhiều dấu tích của những dòng sông băng lớn từ kỷ Băng hà cuối cùng. Từ biên giới với Scotland kéo đến tận miền Trung là dãy núi quan trọng nhất nước Anh – dãy Pennine Chain. Dãy núi này cùng với Quận Hồ (Lake District) ở phía bắc, tây và tây nam nước Anh tạo nên các vùng đồi với đặc thù đá già và cứng, tuy đã được bào mòn sau nhiều thế kỷ mưa gió nhưng một số đỉnh phụ vẫn cao hơn 914m và đất đai nói chung không thích hợp để trồng trọt.
Phía nam của dãy Pennines là vùng đồng bằng với những ngọn đồi thấp thoải và thung lũng màu mỡ. Độ cao từ đây tiến ra các vùng duyên hải phía tây nam và phía đông của đất nước tiếp tục giảm xuống, rất ít nơi cao trên 300m mà phần lớn diện tích chỉ ở khoảng 5m so với mặt nước biển; nhiều khu vực trong vùng này cần được xây đê bảo vệ khỏi những cơn gió mạnh và những đợt sóng cao bất thường.
Quận Hồ là một khu vực bán sơn địa với đồi núi lô nhô điểm những hồ nước trong vắt nằm ở phía bắc Lancashire, miền Tây Bắc nước Anh. Với nhiều hồ nước lớn nhỏ, vô số suối sạch và rặng núi thấp với bốn đỉnh núi cao hơn 900m, Quận Hồ được cả người dân trong nước lẫn ngoại quốc, người ưa mạo hiểm hay muốn tìm sự yên bình đều ưa chuộng.
Wales là bán đảo nằm ở phía tây nước Anh, có địa hình tương tự như Scotland với phần lớn vùng nội địa là núi cao, đồi đá trống trải, hầu như chỉ thích hợp cho chăn thả; phần nhỏ diện tích còn lại là những đồng bằng hẹp ven biển phía nam, phía tây và những vùng đất thấp nhỏ ở phía bắc. Trong khi đó, Bắc Ireland lại có những ngọn đồi thoai thoải, những đồng bằng đất thấp và thung lũng màu mỡ, độ cao trung bình khoảng 150-180m. Ở giữa vùng đất lõm trung tâm Bắc Ireland là hồ Lough Neagh, hồ lớn nhất Vương quốc Anh.
Vịnh Lulworth là một vịnh nhỏ tự nhiên có hình móng ngựa, được hình thành từ cách dây xấp xỉ 10.000 năm. Nằm gần vòm đá Durdle Door nổi tiếng trên bờ biển Jurassic, vịnh Lulworth đón khoảng 500.000 du khách đến tham quan mỗi năm.
Bờ biển
Bờ biển Vương quốc Anh khá dài so với các nước có diện tích tương đương, theo CLA Factbook là 12.429km, có thể được so sánh như viên ngọc quý trên vương miện hoàng gia. Bờ biển dài và khúc khuỷu, với những vách đá cao thẳng đứng và vô số vịnh biển; nhiều đảo, nhiều cửa sông tạo nên những bến cảng khá tốt. Người ta đã tính được rằng không có nơi nào ở Anh cách biển quá 121km, vậy nên các bãi biển luôn nằm trong top những địa điểm thư giãn và giải trí hàng đầu của người dân Anh, họ có thói quen đi biển ít nhất một lần/năm.
Sông ngòi
Các con sông và lưu vực của chúng luôn gắn liền với lịch sử phát triển của con người: là nơi tạo điều kiện để chúng ta phát triển cuộc sống, làm nông nghiệp, làm công nghiệp, giao thông vận tải, tiến hành đô thị hóa… Do đặc điểm địa hình là đảo nhỏ, nhiều đồi núi nên nhìn chung sông ngòi ở Vương quốc Anh thường ngắn. Những con sông quan trọng nhất có thể kể đến như sông Severn, sông Thames, sông Mersey, sông Clyde, sông Wye, sông Teifi…
Sông Severn (354km) là sông dài nhất vương quốc, khởi nguồn từ Bắc Wales, chảy qua biên giới giữa Anh và Wales trước khi ra tới eo biển Bristol. Vào kỳ triều cường, đỉnh triều tại sông này có thể cao tới 12m. Cầu Severn ngay phía Bắc Bristol là tuyến đường quan trọng nối Anh và Wales, đồng thời cũng là thành tựu của ngành cầu đường Anh Quốc. Được xây dựng trong thập niên 60 thế kỷ 20, cây cầu này dài 5.168m và khoảng cách giữa các nhịp tới 456m.
Sông Thames là con sông dài thứ hai tại Vương quốc Anh, bắt nguồn từ Cotswolds trong vùng Gloucestershire và chảy ra Biển Bắc tại Tilbury cách đó 338km về phía đông. Đoạn sông Thames nổi tiếng nhất là đoạn chảy qua London, thường được sử dụng cho các hoạt động thể thao, mà nổi tiếng nhất có lẽ là cuộc đua thuyền truyền thống hàng năm giữa hai trường đại học danh tiếng Oxford và Cambridge.
Ngoài sông ngòi thì những hồ ở Quận Hồ của nước Anh và ở những dãy núi của xứ Wales, những loch (hồ – tiếng Scotland) của vùng cao nguyên Scotland và những lough (hồ, vịnh – tiếng Ireland) của Bắc Ireland cũng đều là những địa điểm thu hút du lịch và quan trọng với cuộc sống của các cư dân.
Khí hậu
Vị trí tự nhiên của Vương quốc Anh là nơi không khí hải dương gặp đất liền, hơi ẩm gặp khô – và sự thay đổi lớn đâ tạo nên nhiều bất ổn.
Tại Vương quốc Anh, nhiều dạng thời tiết khác nhau có thể được trải nghiệm chỉ trong một ngày. Tuy thất thường nhưng khí hậu ở Vương quốc Anh ôn hòa hơn nhiều so với những nơi khác ở cùng vĩ độ còn là do những cơn gió từ phía tây nam thổi đến. Nhiệt độ thay đổi rõ rệt theo mùa nhưng hiếm khi xuống quá âm 12°c hay lên quá 32°c.
Mặc dù Vương quốc Anh chủ yếu nhận ảnh hưởng của kiểu khí hậu hải dương từ Đại Tây Dương nhưng mức độ ảnh hưởng khác nhau. Khu vực Bắc Ireland, tây bắc Scotland ở gần nơi dòng hải lưu Gulf Stream chảy qua có khí hậu ấm hơn so với “mong đợi”.
Nhìn chung, Vương quốc Anh không phải chịu đựng sự khắc nghiệt của mẹ thiên nhiên qua những trận lốc xoáy hay những đợt nóng khủng khiếp… Ấy vậy mà xứ sở này, hài hước thay, thường được hình dung là một nơi thời tiết rất khó chịu. Và “thủ phạm” cũng chính là “ân nhân” đã giúp điều hòa thời tiết tại đây – những luồng hải lưu và những cơn gió Tây Nam thường xuyên đem đến hơi ẩm và sương mù – vì thế, Anh Quốc còn được gọi là xứ sở sương mù. Lượng mưa trung bình hàng năm ở Vương quốc Anh là 100cm, trong đó ớ phía tây và vùng cao phía bắc nhận nhiều mưa hơn vùng duyên hải phía đông và đông nam. Tại một số nơi vùng cao phía bắc và phía tây, lượng mưa mỗi năm lên đến 5.000mm. Lượng mưa có thể khác nhau tùy theo khu vực nhưng nhìn chung phân phối tương đối đồng đều quanh năm, cùng với sự phổ biến của sương mù dẫn đến kết quả là số giờ nắng ít ỏi – trung bình chỉ từ nửa tiếng đến hai tiếng vào mùa đông, và từ năm đến tám tiếng vào mùa hè.