Kể từ những năm 1950, người Anh (và người Vương quốc Anh nói chung) trở nên ít quan tâm hơn đến việc theo một tôn giáo nào. Tuy nhiên, phần đông mọi người ở Vương quốc Anh vẫn đến nhà thờ vào các dịp đặc biệt như Giáng sinh, cưới hỏi hay tang ma.
Mục lục
Niềm tin xuất hiện cùng sự tồn tại của con người
Thời xa xưa, con người chịu ảnh hưởng nhiều từ tự nhiên nên cũng dễ hiểu khi bất kỳ một yếu tố tự nhiên nào cũng có thể khiến người ta tôn thờ. Những cư dân đầu tiên ở Anh thực hiện nhiều nghi lễ để cầu mưa thuận gió hòa; họ cũng có tục thờ cúng cha mẹ, tổ tiên và tôn trọng cái chết. Các vòng tròn đá khổng lồ – như Stonehenge – được cho là nơi chôn cất và thực hiện nghi lễ cúng bái của người xưa.
Danh sách các tôn giáo ở Vương quốc Anh từ xưa đến nay:
Thiên Chúa giáo
Khi mới đặt chân đến vùng đất Anh ngày nay, người La Mã không gặp nhiều khó khăn trong việc “gò” các vị thần của mình cho phù hợp với thế giới tâm linh đa thần của người địa phương. Sự thay đổi to lớn chỉ thực sự diễn ra khi Thiên chúa giáo trở thành tôn giáo chính thức tại La Mã vào những năm đầu Công nguyên, kể từ đó phát triển và lan truyền mạnh mẽ. Năm 597, Giáo hoàng Gregory phái Cha Augustino dẫn bốn mươi tu sĩ Benedict sang Anh truyền giáo, vào lúc này số người theo đạo còn thưa thớt. Tuy nhiên, đến thế kỷ VII, toàn thể dân chúng nước Anh đã cải sang Thiên chúa giáo.
Một hệ quả xảy ra khi một tôn giáo du nhập và phát triển mạnh mẽ song song với sự phát triển của các triều đại hoàng gia, đó là không thể tránh khỏi việc quyền lực co kéo giữa hai bên. Và bước ngoặt đã diễn ra trong triều đại của Vua Henry VIII (1509-1547).
Sự ra đời Giáo hội Anh Quốc
Mong muốn có con trai nối dõi, Vua Henry VIII đã thỉnh nguyện giáo hoàng cho phép hủy bỏ hôn ước với Hoàng hậu Catherine xứ Aragon để kết hôn với Anne Boleyn nhưng không được chấp thuận. Bất đồng không được hòa giải dẫn đến việc Vua Henry VIII tuyên bố ly khai Giáo hội Công giáo La Mã, thành lập Giáo hội Anh Quốc, vua có quyền tối thượng trong giáo hội.
Vua Henry VIII không có tham vọng cải cách tôn giáo, cuộc ly khai của ông ban đầu chỉ là vấn đề về quyền uy hơn là về giáo lý, nhưng đã tạo ra cơ hội ngàn vàng cho những người nhiệt thành ủng hộ phong trào Kháng cách Tân giáo thời bấy giờ. Các giáo phái cải cách được thành lập ở Anh, Scotland và Ireland, cùng với đó là những cuộc khủng bố do mâu thuẫn tôn giáo.
Khi con gái của Vua Henry VIII và Anne Boleyn lên ngôi, lấy tước hiệu Elizabeth I (1558-1603), bà đã đưa cuộc ly khai đến chỗ dứt khoát. Ngoài Luật về Quyền Tối thượng đã có, bà ban hành Luật Nhất thể khắt khe: mọi người phải theo cùng một nghi thức trong phụng sự, tức là phải từ bỏ hoàn toàn Giáo hội Công giáo và theo Giáo hội Anh giáo. Đa số giáo sĩ cũng như dân chúng ngoan ngoãn chấp hành, những người Công giáo trung thành phải rút vào bí mật.
Công giáo La Mã
Mãi đến năm 1829, Công giáo La Mã mới lại có thể đàng hoàng bước ra ánh sáng sau sắc lệnh tha đạo. Tuy không còn bị cấm đoán nhưng tín đồ Công giáo vẫn chịu nhiều thiệt thòi như không được kết hôn với người trong hoàng tộc, không được làm thủ tướng, linh mục Công giáo dù đã hồi tục cũng không được ứng cử vào Quốc hội…
Hiện nay, có khoảng năm triệu tín đồ Công giáo La Mã ở Vương quốc Anh, trong đó 2,2 triệu thường xuyên đi lễ. Các tín đồ này sinh hoạt trong các cộng đồng gọi là giáo xứ, trên nữa là giáo khu, địa phận. Các địa phận do tổng giám mục cai quản, Hồng y Tổng Giám mục Westminster là giáo chức cao cấp nhất.
Các giáo phái Tin Lành khác
Có rất nhiều giáo phái Tin Lành tại Anh, tuy quy mô không lớn, chẳng hạn như Giám lý, Tẩy lễ, Nhất thể, Khoa học Thiên chúa giáo, Duy linh… Còn có một giáo phái được biết đến dưới cái tên Giáo hội Tự do phản đối quyền lực của mục sư và cơ cấu thứ bậc, thay vào đó tập trung vào giới lãnh đạo tại chỗ.
Các tôn giáo khác
Hồi giáo: tại Vương quốc Anh mà chủ yếu là tại Anh có khoảng 1,5 đến 2 triệu tín đồ Hồi giáo – với hơn 600 nhà thờ và trung tâm cầu nguyện. Đây là nơi có cộng đồng Hồi giáo lớn nhất Tây Âu. Ở một số thành phố ở phía bắc, các cộng đồng Hồi giáo thậm chí còn có những trường học riêng. Ngoài người góc Pakistan là thành phần chủ yếu, các tín đồ Hồi giáo Anh Quốc còn đến từ Bangladesh, Ấn Độ, Cộng hòa Síp (Cyprus), Ả Rập Saudi… Tuy phần lớn lãnh đạo Hồi giáo của các cộng đồng đều có thiện chí hợp tác với các chính sách bảo đảm an ninh xã hội của chính quyền, nhưng cũng có một bộ phận tín đồ Hồi giáo cực đoan khá kích động, đặc biệt do bất mãn với cuộc chiến Iraq.
Do Thái giáo: Cộng đồng Do Thái giáo ở Vương quốc Anh có khoảng 270 ngàn thành viên, lập thành ba mươi giáo đoàn trong các hội đạo địa phương. Cộng đồng này được hình thành từ nhóm Sephardim (đến từ Tây Ban Nha, Bồ Đào Nha, Bắc Phi) và nhóm Ashkenazim (từ Đức và Trung Âu), trong đó nhóm sau đông hơn nhiều.
Tại Anh còn có các cộng đồng theo đạo Phật, đạo Sikh, đạo Hindu… Cũng có một bộ phận dân cư, nhất là những người sống ở thành phố, không theo bất kỳ một tôn giáo nào; họ tự nhận mình theo chủ nghĩa vô thần, bất khả tri hay chủ nghĩa nhân văn.
Tôn giáo và Chính trị
Tại Vương quốc Anh, tôn giáo và chính quyền có mối liên hệ mật thiết. Thủ tướng bổ nhiệm phần lớn các chức sắc thuộc giáo hội sau khi tham khảo các nhân vật lãnh đạo nhà thờ, Nghị viện có tiếng nói trong các nghi lễ của giáo hội, và hoàng gia trên danh nghĩa là người đứng đầu giáo hội. Ngược lại, Giáo hội Anh cũng có 26 đại diện trong Thượng viện; Hội đồng Cao cấp gồm 574 thành viên của giáo hội cũng có quyền đưa ra các dự thảo luật (chủ yếu về điều hành tôn giáo), các dự luật này có thể được Quốc hội thông qua thành luật mà không sửa đổi.
Mặc dù các đảng chính trị chính đều theo đường lối thế tục nhưng cũng có những liên hệ giữa các đảng và tôn giáo. Chẳng hạn sự ra đời của Công đảng là chịu ảnh hưởng từ chủ nghĩa xã hội Thiên chúa giáo và từ những người lãnh đạo chống lại Anh giáo – như Keir Hardie. Ngược lại, trong các câu chuyện tiếu lâm, Giáo hội Anh được gọi với biệt danh “Đảng Bảo thủ”. Ngoài ra, cũng có những đảng phái chính trị nhỏ theo cương lĩnh hoàn toàn “tôn giáo” như Đảng Thiên chúa giáo, Liên minh Những người Thiên chúa giáo…
Tôn giáo và Cuộc sống
Giáo hội Anh chia thành hai địa phận, Canterbury và York, do hai tổng giám mục cai quản. Dưới hai địa phận này là 44 giáo khu do các giám mục đứng đầu; các giáo khu lại được chia thành trên 13 ngàn giáo xứ hay xứ đạo. Giáo hội Anh chăm sóc phần hồn giáo chúng và có trách nhiệm với xã hội. Các giám mục của Giáo hội Anh thường lên tiếng về các vấn đề xã hội bằng nhiều hình thức khác nhau.
Ví dụ: Giáo hội Anh xuất bản cuốn Đức tin trong thành phố (Faith in the City) trong đó chỉ trích các chính sách của chính quyền mà họ tin là sẽ dẫn đến sự hủy hoại đô thị, ảnh hưởng xấu đến giới trẻ, làm tăng đói nghèo và tội ác…
Ở Anh và xứ Wales có khá nhiều trường tôn giáo, chủ yếu là Anh giáo và Công giáo nhưng cũng có trường Do Thái giáo, Hồi giáo và Ấn giáo. Chương trình học ở các trường này hoàn toàn theo chương trình quốc gia, chỉ gia giảm cho phù hợp với tín ngưỡng. Luật Giáo dục năm 1944 yêu cầu phải có các giờ học và hoạt động tín ngưỡng trong ngày, nhưng đồng thời cũng có điều khoản cho phép phụ huynh từ chối cho con em mình tham gia các hoạt động đó.
Bắc Ireland có hệ thống giáo dục phân lập khá cao. 95% học sinh Bắc Ireland theo học trường bán công (chủ yếu là trường Công giáo) hoặc trường tư (chủ yếu là trường Tin Lành).
Scotland có hệ thống trường học phi tôn giáo nhưng cũng có một số ít trường Công giáo.
Luật Truyền thông năm 2003 yêu cầu các hãng truyền thông trong vương quốc phải dành thời lượng thích hợp cho các chương trình tôn giáo. Đài Radio 4 của Hãng Phát thanh Truyền hình Anh Quốc (BBC) có một chương trình hai phút gọi là Suy nghĩ trong ngày (Thought for the Day) trong chương trình thời sự buổi sáng, do các phát thanh viên thuộc nhiều tín ngưỡng khác nhau đưa ra những vấn đề về tâm linh hay đạo đức.
Đầu thế kỷ 21, Luật Phân biệt chủng tộc và Tôn giáo ở Vương quốc Anh kết tội các hành vi kích động phân biệt đối xử chủng tộc và tôn giáo. Các công chức được phép công khai tín ngưỡng của mình.