Tổng quan kinh tế Vương quốc Anh

Ngày nay, nền kinh tế Vương quốc Anh nói riêng và nền kinh tế của cả châu Âu nói chung có dấu hiệu suy giảm do trọng tâm kinh tế thế giới đang chuyển dịch về châu Á. Tuy nhiên, Vương quốc Anh vẫn là một trong những nước có ngành công nghiệp và thương mại phát triển thuộc hàng top của thế giới.

Vương quốc Anh là quốc gia công nghiệp đầu tiên của thế giới. Tại đây, vào giữa thế kỷ 18, nền kinh tế dựa trên sản xuất nông nghiệp “già cỗi” đã lần đầu tiên nhường lối cho sự phát triển của các nhà máy. Những phát minh như máy hơi nước, máy quay sợi, đầu máy xe lửa và đường ray, những phương pháp sản xuất thép cải tiến… đánh dấu sự khởi đầu cho một kỷ nguyên công nghiệp hiện đại.

Cho đến nay, do nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan, Vương quốc Anh không còn dẫn đầu nhưng nhìn chung vẫn là một trong những nền kinh tế phát triển thuộc hàng top của thế giới. Cùng với Mỹ, Nhật, Canada, Đức, Pháp, Ý và Nga, Vương quốc Anh là một trong tám quốc gia công nghiệp hàng đầu thế giới (G8).

NÔNG NGHIỆP

Chi tiết: Nông nghiệp Vương quốc Anh

Nông nghiệp tại Vương quốc Anh có thể coi là được tổ chức hiệu quả nhất châu Âu, với chỉ chưa đến 2% lực lượng lao động tham gia nhưng đạt năng suất khá cao, cung cấp được đến 60% lượng thực phẩm cần thiết. Mặc dù vậy, nước này vẫn phải nhập khẩu một lượng lớn lương thực để phục vụ cho nhu cầu của mình, và là một trong những thị trường lương thực và sản phẩm nông nghiệp lớn nhất thế giới.

Vương quốc Anh ứng dụng nhiều công nghệ vào Nông nghiệp

Ngoài ngũ cốc, rau, thịt… Anh Quốc còn nhập khẩu nhiều loại nông sản từ các nước thuộc Khối Thịnh vượng chung. Tuy nhiên, từ khi gia nhập Cộng đồng Kinh tế châu Âu (Thị trường chung châu Âu) năm 1973, Vương quốc Anh đã phải điều chỉnh lại theo những chính sách nông nghiệp của tổ chức này (giảm thuế quan nhập khẩu nông sản từ các nước châu Âu khác đồng thời tăng giá nông sản từ các nước Khối Thịnh vượng Chung…)

Các loại cây lương thực chủ yếu có thể kể đến là lúa mì – chiếm 41% sản lượng lương thực của đất nước, ngoài ra còn có lúa mạch sử dụng cho công nghiệp bia rượu, cây cải dầu để chế biến dầu ăn, khoai tây và củ cải đường…

Đất đai và khí hậu miền Đông và miền Nam nước Anh thích hợp nhất cho việc trồng trọt, đặc biệt là trồng các loại ngũ cốc, trái cây và một số loại quả mọng tuyệt vời.

Nuôi cừu ở Yorkshire, Vương quốc Anh

Ngành chăn nuôi tại Vương quốc Anh cũng phát triển, với những loại gia súc nuôi lấy sữa, những đàn bò và cừu gặm cỏ trên những đồng cỏ khắp đất nước, đặc biệt là tại các vùng đồi và cao nguyên ở Bắc Ireland.

Vương quốc Anh có 2,3 triệu con bò sữa, cho khoảng 14 tỉ lít sữa mỗi năm, một nửa số sữa này dành để làm pho mát và các sản phẩm sữa khác. Cừu được nuôi lấy thịt và lông làm len, thịt cừu xứ Wales là loại thịt được ưa chuộng nhất. Heo và gia cầm cũng được nuôi ở nhiều vùng của đất nước.

Vào cuối thế kỷ 20 đầu thế kỷ 21, nhánh chủ lực của nông nghiệp Anh – ngành chăn nuôi gia súc – bị giáng một đòn mạnh bởi dịch bệnh bò điên và không lâu sau đó là dịch lở mồm long móng ở lợn và cừu. Thảm họa kép này đã khiến một số lượng khổng lồ gia súc phải đem đi tiêu hủy để tránh lây lan dịch bệnh; các loại thịt bò, heo, cừu từ Anh cũng bị cấm nhập khẩu vào Bắc Mỹ và châu Âu trong một thời gian dài.

CÔNG NGHIỆP

Công nghiệp năng lượng

Tài nguyên năng lượng là một trong những yếu tố quan trọng giúp Anh trở thành quốc gia công nghiệp hàng đầu. Những cánh rừng cung cấp lượng gỗ không nhỏ cho các ngành công nghiệp như xây dựng, đóng tàu; còn bên dưới hầu hết các cánh đồng xanh mướt của nước Anh lại rất nhiều than — ngày trước được coi là “vàng đen”. Tuy nhiên, việc khai thác liên tục kể từ thế kỷ 17 đã dẫn đến tình trạng nguồn năng lượng này cạn kiệt dần.

Newcastle ở miền Đông Bắc nước Anh có trữ lượng than cao đến nỗi người Anh có thành ngữ “Sending coals to Newcastle – chuyển than đến Newcastle” cũng giống như câu “chở củi về rừng” ý chỉ những việc làm vô ích.

Mỏ than Murton, gần Seaham, hạt Durham, đông bắc nước Anh qua tranh của Wilson Carmichael

Phần nào thay thế cho than trong việc chống đỡ nền kinh tế Anh Quốc là dầu mỏ – một loại chất đốt tự nhiên khác được phát hiện tại Biển Bắc trong thập niên 1960. Có 240 mỏ khí đốt ngoài khơi đang được khai thác, các mỏ này tạp trung ở phía đông bờ biển Scotland, gần quần đảo Orkney. Sullom Voe trên quần đảo Shetland, Scapa Flow trên quần đảo Orkney, và Aberdeen trên đất liền là các cảng dầu khí quan trọng. Mặc dù sản lượng đang sụt giảm nhưng Vương quốc Anh vẫn là nước có dự trữ dầu lớn nhất EU.

Calder Hall, được xây dựng tại Tây Bắc nước Anh vào năm 1956, là nhà máy điện hạt nhân thương mại đầu tiên của thế giới.

Theo xu thế chung của thế giới, việc khai thác và sử dụng các nguồn năng lượng tái sinh và thân thiện với môi trường ngày càng được chính phủ Vương quốc Anh khuyến khích phát triển, cho đến nay, Vương quốc Anh đã chuyển dần sang sử dụng nhiều hơn các nguồn năng lượng khác như khí thiên nhiên (cung cấp gần 40% sản lượng điện của đất nước), điện nguyên tử (gần 20% sản lượng điện)… Các nhà máy điện nguyên tử được đặt tại những khu vực duyên hải hẻo lánh vùng Đông Bắc, dọc bờ biển phía nam, East Anglia và eo Bristol.

Những tấm pin mặt trời được lắp đặt tại một khu dân cư thành phố Nottingham, phục nhu cầu năng lượng sinh hoạt hàng ngày của người dân.

Sản xuất và chế tạo

Vào thế kỷ 19, Vương quốc Anh được mô tả như công xưởng của cả thế giới, là nguồn cung cấp lớn nhất và duy nhất các sản phẩm công nghiệp nặng và chế tạo. Tuy vậy, sau các cuộc chiến tranh mà đặc biệt là Thế chiến II, nền kinh tế Anh Quốc bị tổn thất nặng nề, các biện pháp quốc hữu hóa công nghiệp được áp dụng cũng không kìm hãm được đà suy thoái. Đến năm 1979, chính phủ của “Người đàn bà Thép ” Margaret Thatcher đã phải đưa ra những chính sách cứng rắn để vực dậy nền kinh tế; và sau đó thực hiện tư nhân hóa mạnh mẽ. Phần lớn các doanh nghiệp nhà nước trong ngành công nghiệp và dịch vụ đều được bán lại cho các tập đoàn tư nhân. Cơ cấu các sản phẩm cũng được thay đổi để phù hợp với tình hình mới.

Các ngành công nghiệp khác

Việc dễ dàng tiếp cận các thị trường và cảng hàng không, môi trường kinh doanh hấp dẫn kết hợp với lực lượng lao động tay nghề cao đã dẫn đến sự bùng nổ công nghiệp máy tính. Doanh thu từ phần mềm hiện chiếm khoảng 3% GDP.

Công nghiệp không gian vũ trụ là một trong những mũi nhọn của ngành công nghiệp chế tạo và cũng là một trong những mũi nhọn xuất khẩu của Vương quốc Anh; thực tế, Vương quốc Anh đứng hàng thứ hai thế giới trong lĩnh vực này, chỉ sau Hoa Kỳ.

Ngày nay, một số vùng công nghiệp trước đây ở Đông Bắc, Tây Bắc và Midland đang hưởng lợi từ sự đầu tư nước ngoài vào các khu công nghiệp mở rộng. Các nhà đầu tư tại đây được hưởng mức thuế khuyến khích, cũng như cơ hội sử dụng Vương quốc Anh như “bàn đạp” vào thị trường châu Âu.

NGÀNH DỊCH VỤ

Là những người tiên phong trong phát triển công nghiệp nên nhiều nhà máy của Vương quốc Anh đã trở nên lỗi thời và kém hiệu quả, vấn đề này cộng với chi phí sinh hoạt ngày càng tăng cao trở thành một gánh nặng lên ngân sách của chính phủ. Thậm chí, vào những năm 1970, Vương quốc Anh còn bị coi là “con bệnh của châu Âu”.

Tuy vậy, là quốc gia công nghiệp đầu tiên của thế giới, Vương quốc Anh cũng là một trong những nước đầu tiên “vật lộn” qua được cơn khủng hoảng hậu công nghiệp hóa, chuyển trọng tâm kinh tế khỏi công nghiệp chế tạo để tập trung vào dịch vụ – ngân hàng, bảo hiểm, công nghệ thông tin, phần mềm, du lịch, các ngành bán lẻ, công nghiệp giải trí…

Ước tính chỉ còn khoảng gần 20% lực lượng lao động trực tiếp làm việc trong ngành sản xuất, và con số tham gia vào những công việc cung ứng, dịch vụ và vận chuyển liên quan nhiều gấp bốn lần.

Bán lẻ là ngành dịch vụ hàng đầu ở Anh, thu hút ba triệu người – hay 11% lực lượng lao động. Phần lớn thị trường bán lẻ nằm trong tay các hãng buôn lớn và chuỗi siêu thị. Tuy nhiên, có luật cho phép các siêu thị chỉ được bán hàng tối đa sáu tiếng trong ngày chủ nhật để giúp các cửa hàng nhỏ hơn có thể cạnh tranh.

Bảo hiểm, truyền thông, nghiên cứu thị trường, tổ chức sự kiện, tư vấn quản trị, hệ thống y tế và dược phẩm cũng là những lĩnh vực phát triển.

Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS), nhà cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chính ở Anh, có lực lượng nhân viên nhiều thứ ba thế giới – 1,5 triệu người, với ngân sách hoạt động có thể lên tới 74 tỉ đô la/năm.

Du lịch là một trong những cỗ máy hái ra tiền cho Vương quốc Anh, với khoảng 25 triệu du khách đến tham quan mỗi năm. Từ những công trình lịch sử, truyền thống văn hóa, cảnh quan thiên nhiên đến cả cuộc sống hiện đại, sôi động đều là những yếu tố thu hút du khách.

THƯƠNG MẠI

Khi người châu Âu mới chỉ biết theo đường bộ đến phương Đông huyền bí, Vương quốc Anh đích thực nằm ở rìa châu lục và gần như bị lờ đi. Nhưng đến cuối thế kỷ 15, đầu thế kỷ 16, khi Tân Thế Giới được phát hiện, những tuyến đường biển được thành lập, Vương quốc Anh trở nên quan trọng hơn rất nhiều, không chỉ về chính trị. Vị trí tự nhiên của Vương quốc Anh biến nơi này trở thành một điểm trung chuyển tự nhiên, đón nhận vô số lượt tàu thuyền từ nhiều nơi trên thế giới ghé đến. Và như vậy, thương mại từ lâu đã là huyết mạch của nền kinh tế Anh Quốc.

Tình trạng cô lập của đảo quốc Anh được chấm dứt nhờ Đường hầm Eo biển Anh, khai trương năm 1994, có tuyến đường sắt dài 50km nối Folkestone ở Anh với Calais nước Pháp.

Ngoài việc nhập khẩu và tái xuất khẩu những món hàng từ các nước khác, đôi khi có qua sơ chế (như đối với các sản phẩm trà, len, dầu mỏ, quặng, đường thô, ngũ cốc…), Vương quốc Anh còn xuất khẩu máy móc và các thiết bị giao thông vận tải ngay từ đầu những năm 1800 – máy quay sợi và máy dệt, các thiết bị khai thác mỏ và đầu máy xe lửa.

Đến nay, thương mại vẫn là một yếu tố quan trọng trong nền kinh tế, tuy nhiên mô hình xuất nhập khẩu đang dần thay đổi. Sau Thế chiến II, sản lượng hàng dệt may – một thời là mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Anh – suy giảm do sự cạnh tranh từ châu Á; xuất khẩu than cũng giảm do tài nguyên có hạn và cũng do sự cạnh tranh từ các nước châu Âu khác… Tuy vậy những sự suy giảm này đã được bù đắp từ các ngành công nghiệp khác như các ngành điện tử, hóa học và các thiết bị máy móc, vận tải.

TÀI CHÍNH VÀ NGÂN HÀNG

Nguồn thu nhập chính của các dịch vụ thương mại không chỉ xuất phát từ vai trò “điểm trung chuyển lớn” mà còn từ các hoạt động dịch vụ, du lịch, bảo hiểm, tài chính ngân hàng… Vương quốc Anh là trung tâm dịch vụ tài chính quốc tế hàng đầu, thuê mướn một triệu nhân viên và đem lại 5,1% GDP. Tại đây có mật độ ngân hàng nước ngoài cao nhất thế giới: năm 2000 có 481 ngân hàng nước ngoài. London là trung tâm tài chính lâu đời, nhiều trụ sở hàng đầu nay có văn phòng tại Canary Wharf.

Trong khi hầu hết các quốc gia châu Âu khác sử dụng đồng euro thì đơn vị tiền tệ chính thức của Vương quốc Anh vẫn là đồng bảng Anh; và mức độ phổ biến của chúng trong các giao dịch ngoại tệ toàn cầu chỉ sau đồng đô la Mỹ, đồng euro và đồng yên Nhật. Trên các loại tiền với các mệnh giá khác nhau trong hệ thống tiền tệ của Vương quốc Anh có in hình nữ hoàng, các danh nhân, cũng như biểu tượng của các khu vực khác nhau trong vương quốc.

Các ngân hàng và công ty bảo hiểm của Vương quốc Anh hoạt động trên toàn thế giới. Ngân hàng Anh là ngân hàng lãnh đạo và phụ trách in ấn tiền tệ. Từ năm 1997, ngân hàng được tự do thiết lập chính sách tiền tệ qua quyết định tỷ lệ lãi suất ngắn hạn, điều này đã cải thiện sự ổn định và phát triển kinh tế.

NGƯỜI LAO ĐỘNG

Unison là công đoàn lớn nhất tại Anh (và Vương quốc Anh nói chung); bên cạnh đó, Nghiệp đoàn Vận tải và Công nhân cũng là một tổ chức quan trọng chăm lo cho quyền lợi của gần một triệu đoàn viên. Dẫu vậy, dù có là hội viên công đoàn hay không thì người lao động Anh vẫn có một số quyền lợi hợp pháp nhất định, và được đảm bảo bất kể giới tính, chủng tộc hay tuổi tác.

Là hậu duệ của những người đã tạo nên cuộc Cách mạng Công nghiệp và một trong những đế chế hùng mạnh nhất từng tồn tại, người dân Anh có niềm tin sâu sắc vào việc có thể vượt qua được những trở ngại mới. Tuy không còn có thể tự cung tự cấp nguyên vật liệu cũng như thị trường tiêu thụ cho các nhà máy nhưng với việc giao thương trao đổi với các nước Tây Âu còn lại đã tăng lên nhiều, Vương quốc Anh đã không còn là một hòn đảo kiêu kỳ và cô lập!

Trong quá khứ nền kinh tế Vương quốc Anh từng đứng ở vị trí số một trên thế giới. Ngày nay, tuy vị trí này đã mất đi nhưng Vương quốc Anh vẫn là một trong những nền kinh tế hàng đầu của thế giới.